Có thể nói Cổ cầm là một cây đàn nổi tiếng gắn chặt với sinh hoạt đời sống văn hóa – Tư tưởng của người dân Trung Hoa. Ban đầu đàn có tên là Dao Cầm, gồm 5 dây: Cung – Thương – Dốc – Chủy – Vũ, sau thêm hai dây Văn – Võ là bẩy nên còn gọi là Thất huyền cầm tức là đàn 7 dây. Về việc đàn thêm vào 2 dây được giải thích trong tích truyện Bá Nha ngồi đàm đạo với Tử Kỳ về cây đàn này như sau: Khi vua Thuấn gảy đàn ngũ huyền thì thiên hạ thái bình; sau khi vua Văn Vương bị tù ở Dũ Là con trai Bá Ấp Khảo nhớ thương đem đàn ra đánh thêm một dây mang tiếng oán gọi là dây Văn; trước khi vua Vũ Vương phạt Trụ có đem đàn ra đánh thêm một dây nữa gọi là đây Võ. Đàn Cầm có lẽ là cây đàn ra đời rất sớm ở Trung Hoa nên sơ khai khi người dân nói Cầm có nghĩa là chỉ cây đàn Cổ Cầm để phân biệt với Tranh (đàn tranh), Tiêu; Tì Bà …vv. Về sau chữ Cầm mới trở thành danh từ chung dùng cho các loại nhạc cụ dây.
Vẫn trong tích truyện về Bá Nha gặp Tử Kỳ có nhắc đến sự ra đời của Cây đàn này như sau: Xưa vua Phục Hy thấy năm sắc sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng tới đậu ở cây, thấy ngô đồng là loại gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất có thể chế nhạc cụ được, liền hạ cây xuống chặt làm ba khúc. Đoạn ngọn tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc tiếng quá đục mà nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng trong, tiếng đục phân minh liền lấy để dùng. Vua đem ngâm nơi dòng nước 72 ngày xong đem phơi ra gió cho thật khô. Sau đó vua sai người thợ khéo là Lưu Tử Kỳ đẽo thành Dao Cầm.
Dao Cầm dài 3 thước 6 tấc 1 phân ứng theo 361 độ chu thiên trong năm. Mặt trước rộng 8 tấc ứng với 8 tiết, mặt sau rộng 4 tấc ứng theo bốn mùa, bề dày 2 tấc ứng theo lưỡng nghi. Đàn gồm 12 phím ứng với 12 tháng trong năm, sau thêm một phím nữa ứng với tháng nhuận. Trên mắc 5 dây ngoài ứng theo ngũ hành, trong ứng với ngũ âm: Cung – Thương – Dốc – Chủy – Vũ. Đàn có sáu điều “kỵ” và bảy điều “không”.
Sáu điều “kỵ” là kỵ rét lớn, nắng lớn, gió lớn, tuyết rơi lớn; gặp lúc ấy người ta không dùng. Bảy điều “không” là không đàn đám tang, không đàn trong lúc lòng nhiễu loạn, không đàn trong lúc bận rộn, không đàn trong lúc thân thể không sạch, không đàn trong lúc y quan không tề chỉnh, không đàn trong lúc không đốt lò hương, không gặp được tri âm. Lại còn có thêm tám “tuyệt” là : thanh, kỳ, u, nhã, li, tráng, lu, trường. Trong tám tuyệt ấy gợi đủ cả các tình cảm, vì vậy tiếng đàn có thể đi đến tuyệt vời.
Thực chất, khó có một dữ liệu nào có thể chứng minh cây đàn Cầm có từ thời Tam Hoàng với những huyền tích về vua Phục Hy nhưng một điều chắc chắc bằng những cứ liệu lịch sử thì đàn Cổ cầm xuất hiện trong các văn bản từ thời Đông Chu. Quan Thư trong Kinh Thi có viết “Yểu điệu thục nữ/ Cầm sắt hữu chi”: Tức là Người thục nữa yểu điệu thì đàn cầm đàn sắt cùng lên tiếng. Hay bức tượng nhạc công chơi đàn Cổ cầm có từ đời Chiến Quốc được phát hiên tại Sơn Đông vào tháng 6 năm 1990. Tiếp theo đó là những hình nhạc công chơi đàn Cổ cầm được phát hiện trong các ngôi mộ Đông Hán ở tỉnh Tứ Xuyên vào những năm 70 của thế kỷ trước đã là những cứ liệu sớm nhất chứng minh về việc xuất hiện và diễn tấu cây đàn Cổ cầm trong văn hóa Trung Hoa.
Sau đó người ta còn tìm thấy những bức thạch họa trên các mộ cổ đời Nam triều vẽ cảnh sinh hoạt của Trúc lâm thất hiền, trong đó có sự xuất hiện hình ảnh của cây đàn Cổ cầm. Tiêu biểu là bức thạch họa ở trong một ngôi mộ cổ ở Nam Kinh có từ thời Nam triều vẽ hình Kê Khang và Nguyễn Tịch. Trong truyền kỳ của dân gian thì Kê Khang là một tác giả nổi tiếng với khúc Quảng Lăng Tán vốn coi đã bị thất truyền. Nguyễn Du sau này lấy lại tích đó trong truyện Kiều với hai câu thơ: Kê Khang này khúc Quảng Lăng / Một rằng Lưu Thuỷ hai rằng Hành Vân.
Quảng Lăng Tán – Lưu Thủy – Hành Vân là những khúc nhạc rất nổi tiếng được chơi trên cây đàn Cổ cầm. Bên cạnh các di chỉ khảo cổ tìm được trong các ngôi mộ từ Hán, Nam Triều; Cổ cầm xuất hiện khá nhiều trong các bức họa cổ. Xin nêu ra một số bức tiêu biểu của các triều đại ở Trung Quốc. Thời Tùy Đường, họa sư Chu Phương có bức: Điệu cầm xuyết mính đồ (Bức họa vừa chơi đàn Cầm và uống trà) trong đó có vẽ một người phụ nữ quý phái đang ngồi chơi đàn và một a hoàn đứng bê khay trà.
Thời Tống có bức: Thính Cầm đồ (Bức họa nghe đàn) của vua Tống Huy Tông vẽ cảnh hai vương gia đang ngồi nghe một nhạc sư đàn cổ cầm dưới một gốc cây tùng, sau lưng một vị quan có một tiểu đồng đứng hầu. Ba chữ Thính cầm đồ đề trên bức họa do tự tay vua Tống Huy Tông đề bằng thể chữ Xấu kim thể (thể chữ với những nét gầy) và một bài thơ không rõ người nào đề ở trên đầu bức họa.
Thời Nguyên có bức: Tùng âm hội cầm đồ (Hội ngộ trong buổi chiều tà dưới gốc Tùng nghe đàn cầm) của Triệu Mạnh Phủ: Bức họa vẽ cảnh hai ẩn sĩ ngồi dưới tán cây tùng nghe đàn trong buổi chiều tà có một tiểu đồng đứng hầu bên cạnh một lò hương. Triệu Mạnh Phủ là một nhà thư họa nổi tiếng Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên, ông để lại rất nhiều bức họa và cùng với Nhan Chân Khanh, Âu Dương Tuân là ba nhà thư pháp để lại ba thể chữ Khải nổi tiếng trong văn hóa Thư họa của Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên.
Thời Minh có bức: Đào nguyên tiên cảnh đồ (Bức họa cảnh tiên ở chốn đào nguyên) của họa sư Cửa Anh vẽ cảnh núi non chốn đào nguyên có những vị tiên đang ngôi nghe đàn cổ cầm xung quanh có các đạo đồng mặc áo đen kẻ bưng trà người quạt lò hương.
Thời Thanh có bức: Đàn Cầm đồ (Bức họa đánh đàn Cầm) của họa sư Nhậm Huân: Bức họa vẽ được vẽ trên quạt, cảnh sơn thủy, giữa một rừng tùng trong am nhỏ có một người đàn chơi đàn Cầm.
Hiện giờ ở Trung Quốc còn rất nhiều bài bản Cổ cầm tuy vậy nói đến các các điệu nhạc Cổ cầm thì mọi người thường kể đến 10 khúc nhạc cổ điển nổi tiếng: 1. U Lan; 2. Quảng lăng tán; 3. Ly tao; 4. Hồ gia thập bát phách; 5. Ái nãi; 6. Mai hoa tam lộng; 7. Tiêu tương thủy vân; 8. Lưu Thủy; 9. Dương quan tam điệp; 10. Bình sa lạc nhạn.
10 khúc nhạc này những người học Cổ Cầm đều biết, song chơi được cho hay thì quả là khó. Một nhạc sư có khi chỉ đánh được đến mức độ tinh diệu một vài trong số những bản nhạc này. Ví dụ như danh cầm Quản Bình Hồ (1879 – 1967) được coi là người chơi đàn Cổ cầm hay nhất thế kỷ 20, tiếng đàn của ông đã được thu băng và gửi vào vũ trụ coi như là tinh hoa của nhân loại. Ông nổi tiếng nhất là chơi các khúc Ly tao, Lưu Thủy, Quảng Lăng Tán, U Lan.
Mỗi khúc nhạc cổ trên đều mang trong nó những câu chuyện kỳ thú. Thí dụ như khúc Lưu Thủy gắn với tích Bá Nha và Tử Kỳ, khúc Ly Tao gắn với tích Khuất nguyên trò chuyện với Ngư Phủ về thế sự; khúc Quảng Lăng tán gắn với chuyện Kê Khang chịu hình giữa chợ mà thốt lên rằng: Từ nay Quảng lăng tán thất truyền.
Quảng Lăng tán có tên đầy đủ là Quảng Lăng chỉ tức, là một khúc cầm mạnh mẽ sôi sục, mang tráng chí của hào kiệt. Bản đàn này xuất hiện đầu tiên dưới dạng văn bản trong cuốn Thần kỳ bí phổ có từ đời nhà Minh. Theo sách Trung Quốc âm nhạc sử lược của Lưu Đông Thăng thì khúc nhạc này xuất hiện vào cuối đời Đông Hán; gắn liền với hai tích: Nhiếp chính ám sát Hàn Vương; Kê Khang chịu hình.
Các đoạn của Quảng Lăng tán được phân thành: Tỉnh lý (quê hương của Nhiếp Chính), Thủ Hàn, Vong thân, Hàm chí, Liệt nữ, Trầm danh, Đầu kiếm, Tuấn tích, Vi hành cùng toàn bộ quá trình ám sát Hàn vương của Nhiếp Chính. Đến thời của Kê Khang được ông nâng lên thành một bản đàn tuyệt kỹ. Khi Kê Khang không chịu khuất phục nhà Tư Mã đứng về phe Ngụy chủ, nên vì thế Tư Mã Chiêu đã chặt đầu ông ở chợ vào năm 262 TCN.
Khi chịu án Kê Khang thần sắc không đổi chỉ xin được đàn và nói rằng Quảng Lăng tán từ nay thất truyền. Tuy vậy, Kê Khang không phải là người sáng tác ra bản Quảng Lăng tán, mà thực chất bản nhạc này có từ trước đó. Kê Khang chỉ là người nâng cấp nó lên thành một thiên tuyệt cầm. Nên khi Kê Khang mất đi là bản Quảng Lăng tán của ông bị thất truyền chứ bản Quảng Lăng vẫn lưu truyền trong dân gian kể về chuyện Nhiếp Chính ám sát Hàn Vương thì vẫn còn.
Thêm một nguyên nhân nữa, là các bản Cổ cầm được lưu hành trong thời điểm hiên nay, tuy những nét chung về mặt tư tưởng vẫn được giữ nguyên nhưng mỗi người đánh mỗi khác. Hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 9 học phái Cổ cầm, mỗi phái có những nét chơi khác nhau dựa trên bài bản trong các cuốn Cầm phổ và phong cách được lưu truyền nội bộ trong từng phái. Vậy nên theo sự suy đóan của chúng tôi thì rất có thể bản thân bài Quảng Lăng tán mà Kê khang cho là thất truyền chỉ là bản được coi là hay nhất lúc bấy giờ của riêng Kê Khang mà thôi.
Một cây đàn Cổ cầm được làm bằng gỗ ngô đồng. Ngô đồng ở Trung Quốc có nhiều loại, ngô đồng đỏ, đồng bạch …v.v. Nhiều khi, trong quá trình làm đàn người ta cũng dùng một số loại gỗ khác.
Một cây đàn cổ cầm về cơ bản gồm hai phiến gỗ ghép úp vào nhau phiến mặt ở trên và phiến đáy ở dưới. Phiến gỗ mặt đàn thường có dạng khum hình lòng máng, ở bên trong lòng máng phía dưới phiến gỗ người ta chạm nổi 2 hình e-líp có gờ nổi lên gọi là Phượng Trì (Ao Phượng); Long Tỉnh (Giếng rồng). Phiến đáy của đàn là phiến gỗ phẳng có đục thủng hai lỗ thoát âm tương ứng đúng với vị trí Phượng Trì và Long Tỉnh. Trên mặt đàn người ta đánh dấu 13 vị trí được gọi là Huy.
Với những cây đàn quý người ta còn khảm vàng hoặc ngọc để đánh dấu các huy. Khi dùng một ngón tay chặn nhẹ lên dây đàn ở vị trí các huy rồi dùng tay kia gảy vào dây đàn thì đàn sẽ cho bồi âm có tiếng vang to và đẹp (tương tự như cách tạo bồi âm của Đàn Bầu ở nước ta). Tuy vậy thỉnh thỏang bồi âm mới được sử dụng trong các bản đàn Cổ Cầm. Còn người chơi đàn thường căn cứ vào các huy để định vị kho việc chăn dây sát xuống mặt đàn để tạo ra các âm mong muốn của bản nhạc.
Đàn Cổ cầm có 7 dây, gắn với 7 trục làm bằng gỗ và có khi bằng ngọc để lên dây đàn. Cổ Cầm có nhiều hình dáng khác nhau, gọi là các thức: Ví dụ như đàn làm theo Trọng Ni thức thì tức là Cây đàn được làm theo kiểu của Khổng Tử – có hình dáng ngay ngắn theo lề lối cổ, có eo Kim Đồng, Ngọc Nữ với đường nét giản dị mà thanh nhã. Bên cạnh đó còn có nhiều kiểu khác nữa như: Sư Khoáng thức (mẫu đàn của Sư Khoáng – một đệ nhất nhạc sư ở Trung Quốc); Thần Y thức (mẫu đàn mang kiểu dáng y phục của thần tiên); Liên châu thức (kiểu đàn như hình chuỗi ngọc) …
Đàn làm xong được phủ vài lớp sơn mài, người ta thường lấy sừng hươu đốt cháy rồi tán ra thành bột trộn với sơn sau đó mới sơn lên đàn. Làm cho cây đàn để càng lâu càng bóng, càng đẹp, và lâu ngày hình thành một lớp vân rạn như da rắn, gọi là Xà Vân.
Mỗi cây đàn cổ cầm sau khi hoàn thành xong thì đươc đặt tên riêng. Mặt dưới của đàn được khắc tên dựa và thanh âm phát ra của tiếng đàn khi đánh thử. Ngòai tên đàn người ta còn khắc câu đối, hoặc những bài thơ mang ý nghĩa liên quan tới gia chủ hoặc tên đàn, và được đóng dấu.
Được biết văn hóa cổ cầm có mặt ở hầu hết các nước thuộc khu vực văn hóa Đồng Văn, ở Việt Nam cũng có nhưng đã bị thất truyền. Biên chế của dàn nhạc cung đình đầu đời Nguyễn ghi nhận có cây đàn Cầm ở trong đó. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc văn hóa cổ cầm vẫn còn tồn tại. Ở Nhật Bản người ta đã từng trưng bày những cây đàn cổ cầm do người Nhật làm, với tính mĩ thuật rất cao.
Khi UNESCO công nhận và tôn vinh cây đàn Cổ cầm thì cả nước Trung Quốc còn khoảng 50 người có thể chơi cây đàn này với trình độ bậc thầy. Thế hệ sau của những nhạc sư như cụ Quản Bình Hồ đã kế thừa một cách vẻ vang như nhạc sư Thành Công Lượng, Lý Tường Đình, Cung Nhất ..v.v. Người Trung Quốc coi cây đàn Cổ Cầm như một báu vật văn hóa. Những cây đàn được làm công phu và được bán với giá rất cao. Người chơi đàn vẫn giữ được những lễ tiết của văn hóa cổ xưa như việc đốt mỗi lư trầm đặt trước giá đàn mỗi khi tấu một bản nhạc.
Chúng tôi đã từng mua một số đĩa CD của những nhạc sư nổi tiếng như vậy, và thực sự ngạc nhiên khi quanh đi quẩn lại một vài bản đàn mà người ta có thể diễn tấu hay đến vậy, nào là Đường Cầm, Tống Cầm, Minh Cầm … Hóa ra đó không phải là những bản nhạc có từ đời Tống, đời Đường mà chính là những cây đàn mà người Trung Quốc giữ được từ đời Đường đời, Tống để mang ra chơi và giới thiệu với bạn bè nước ngoài.
Có thể đó là những cây đàn nguyên vẹn, hoặc thậm chí đã bị hư hỏng nhưng nhờ tình yêu và sự tài hoa của các nhạc sư mà người ta đã phục chế loại được để cây đàn cổ từ ngót một ngàn năm trước lại tấu lên những khúc nhạc ở chốn tiên giới trong một thế giới hiện đại dưới cõi trần.
TRUNG TÂM TÀI NĂNG TRẺ NHẬN DẠY ĐÀN PIANO, ORGAN, GUITAR, VIOLIN, TRỐNG, LUYỆN THANH TẠI NHÀ
CẦN TƯ VẤN THÊM QUÝ PHỤ HUYNH LIÊN HỆ: 090 333 1985 – 09 87 87 0217
WEB: www.hocdan.org
Email: info@giasutainangtre.vn