Chúng ta sẽ chỉ đề cập đến đàn Tranh 17 dây, là loại đàn thông dụng nhất hiện nay . Dây thấp nhất là dây mang số 1 rồi từ từ đi lên cao, dây cuối cùng mang số 17 .
Ngày xưa cây đàn Tranh chỉ có 16 dây . Từ năm 1950, Nhạc Sư Nguyễn Vĩnh Bảo cải tiến cây đàn Tranh thành 17, 19, 21 dây . Đôi khi ta có thể thấy đàn Tranh 22 dây . Các dây thêm vào là các dây trầm . Ở trình độ hiện tại, chúng ta chưa xử dụng dây trầm mà chỉ xử dụng 16 dây căn bản, bắt đầu từ dây số 2 và kết thúc bằng dây số 17 .
– 5 dây mang số 2,3,4,5,6 tạo thành bát độ (octave) thấp nhất,
– 5 dây mang số 7,8,9,10,11 tạo thành bát độ trung bình,
– 5 dây mang số 12,13,14,15,16 tạo thành bát độ cao
– dây số 17 là cung đầu tiên của bát độ kế tiếp .
– Bát độ thấp nhất : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, (có nhạc sĩ viết các cung này với dấu huyền),
– Bát độ trung bình : Liêu, Xự, Xang, Xê, Cống,(có nhạc sĩ viết các cung này không dấu),
– Bát độ cao : Liu, Ú, Xang, Xê, Cống, (có nhạc sĩ viết các cung này với dấu sắc),
– Dây 17 : Liu
Cung Hò, Liêu, Liu chỉ là một cung nhưng ở các bát độ khác nhau . Cung Xư hay U cũng vậy .
Ngày nay, các cung trên cũng được các nhạc sĩ đặt tên theo hệ thống solfège như trong Tân nhạc.
Các nhạc sĩ Miền Nam Việt Nam gọi tên các cung trên là Sol, La, Do, Re, Mi
Các nhạc sĩ Miền Bắc Việt Nam gọi các cung trên là Do, Re, Fa, Sol, La .
Gọi tên như thế nào cũng được, miễn là khoảng cách giữa các cung phải được tôn trọng :
– Cung Hò và cung Xư cách nhau 1 cung,
– Cung Xư và cung Xang cách nhau 1 cung rưỡi,
– Cung Xang và cung Xê cách nhau 1 cung,
– Cung Xê và cung Công cách nhau 1 cung .
Lấy thí dụ ta gọi cung Hò là cung Rê, thì 5 cung sẽ được gọi là Rê, Mi, Sol, La, Si
Tuy các cung trên được đăt tên bằng các cung theo Solfège trong Tân nhạc, nhưng điều đó không có nghĩa là phải lên dây theo đúng cao độ của các cung Tân nhạc . Nói một các chính xác, các cung nhạc trong nhạc truyền thống Việt Nam không có cao độ nhất định, người đàn muốn để cao độ nào cũng được, miễn là các cung theo sau phải có khoảng cách như đã viết ở trên . Tuy nhiên, khi hoà đàn với nhau, các nhạc sĩ Miền Nam Việt Nam dùng cao độ của cung Rê trong Tân nhạc cho cung Hò .
Để thống nhất, chúng ta sẽ áp dụng cách gọi tên như sau :
– Bát độ thấp nhất : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống hay là Sol, La, Do, Re, Mi
– Bát độ trung bình : Liêu, Xự, Xang, Xê, Cống hay là Sol, La, Do, Re, Mi
– Bát độ cao : Liu, Ú, Xang, Xê, Cống hay là Sol, La, Do, Re, Mi
– Dây 17 : Liu hay Sol
Khi viết bản nhạc, nếu viết theo Tân nhạc, chúng ta sẽ xử dụng các cung Sol, La, Do, Re, Mi .
Nếu viết bản nhạc theo Hò, Xự, Xang, Xê Cống, chúng ta sẽ viết như sau:
NB. Cách viết theo mẫu tự L U S X C là do nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sáng chế ra từ năm 1955 . Ở bậc thấp, các chữ L U S X C mang dấu nặng, không dấu ở bậc trung , có dấu chấm phía trên khi ở bậc cao .
Thực ra thì nhạc Việt Nam có 7 cung, trên đây chúng ta đã đề cập đến 5 cung . Hai cung còn lại là cung Xư hay U (còn gọi là Y) và cung Công (còn gọi là Phạn) . Cung Xư (U, Y) cao hơn cung Xự(Ú) khoảng nửa cung, cung Công (Phạn) cao hơn cung Cống khoảng nửa cung . 7 cung Hò, Xự, Xư, Sang, Xê, Cống, Công được tạm dịch là Sol, La, Si, Do, Re, Mi, Fa .
Các bạn nên làm một cái băng bằng giấy ghi tên các cung nhạc để gắn trên mặt đàn, bên cạnh cầu đàn như trong hình dưới đây:
Nếu có thể, nên may một cái băng tròn bằng vải, có thể mở ra hay gắn vào dễ dàng bằng hai miếng băng Velcro . Trên băng vải dán băng giấy viết tên các cung đàn . Việc xử dụng băng vải với băng Velcro rất hữu ích trong tương lai khi chúng ta học tới cách chuyển cung Hò (Transposition) . Tên các cung nhạc nên viết ở vị trí nào mà khi ngồi đàn có thể nhìn thấy dễ dàng . Sau này khi các Bạn đã quen với các dây đàn, các Bạn sẽ không cần xử dụng tới băng ghi cung nhạc này nữa .
TRUNG TÂM TÀI NĂNG TRẺ NHẬN DẠY ĐÀN PIANO, ORGAN, GUITAR, VIOLIN, TRỐNG, LUYỆN THANH TẠI NHÀ
CẦN TƯ VẤN THÊM QUÝ PHỤ HUYNH LIÊN HỆ: 090 333 1985 – 09 87 87 0217
WEB: www.hocdan.org
Email: info@giasutainangtre.vn